Với phương châm tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, Cty TNHH Ngọn Hải Đăng luôn nỗ lực phấn đấu mang đến những sản phẩm, dịch vụ có giá trị hoàn hảo nhất cho khách hàng, khẳng định thương hiệu Ngọn Hải Đăng ở trong và ngoài nước.
Trải quả hơn 7 năm hoạt động trong các lĩnh vực thiết kế - in ấn, thiết kế web, marketing online, quảng bá web …. Cty TNHH Ngọn Hải Đăng đã không ngừng phát triển và khẳng định vị trí của mình tại thị trường trong và ngoài nước; Với quan điểm con người là yếu tố trọng tâm, cốt lõi để xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp với hiểu biết kỹ thuật, lòng nhiệt huyết và thông qua biểu tượng công ty - biểu tượng của ngọn đèn hải đăng là 'Người Dẫn Đường' chúng tôi muốn nói rằng chúng tôi sẽ làm được.
TẦM NHÌN
Nhà in Ngọn Hải Đăng chúng tôi muốn trở thành một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực in ấn, có uy tín trên thị trường trong nước và cả thị trường quốc tế.
SỨ MỆNH
- Cty TNHH Ngọn Hải Đăng luôn nỗ lực phấn đấu xây dựng một niềm tin bền vững trong khách hàng, trong các đối tác, trong cộng đồng và trong từng nhân viên nhằm mang lại cho họ những giá trị cao nhất bằng cách:
- Cung cấp cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng phù hợp, giá cả cạnh tranh.
- Học hỏi, xây dựng và hoàn thiện tổ chức để trở thành đối tác tin cậy, chuyên nghiệp và hiệu quả nhất tại thị trường Việt Nam.
- Phát triển bền vững và kinh doanh hiệu quả để phục vụ lợi ích của khách hàng cũng như từng thành viên trong công ty.
- Xây dựng môi trường làm việc, hợp tác và phát triển sự nghiệp tốt nhất cho từng nhân viên. Tăng trưởng của công ty luôn gắn liền với việc nâng cao chất lượng sống và làm việc của mỗi thành viên trong công ty.
TRIẾT LÝ KINH DOANH
- Chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu là tôn chỉ và là yếu tố hàng đầu tạo nên sự phát triển bền vững của công ty
- Phương châm hành động: Quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
- Chăm sóc khách hàng: Xây dựng niềm tin bền vững để trở thành đối tác tin cậy và chuyên nghiệp nhất.
- Yếu tố an toàn: Yếu tố rủi ro luôn luôn nằm trong tầm kiểm soát của Cty TNHH Ngọn Hải Đăng.
- Ý thức, tinh thần, trách nhiệm của nhân viên: Phát huy tinh thần thân ái, đoàn kết, hợp lực giữa nhân viên tạo thành một tập thể vững mạnh.
Nguồn nhân lực ngành in tại Việt Nam
Nguồn nhân lực ngành in tại Việt Nam
Ngành công nghiệp in ấn của nước ta những năm gần đây có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. Song nhìn lại thực tế, nhân lực ngành in đang đứng trước thực trạng thiếu về lượng, yếu về chất. Vấn đề này một lần nữa được cảnh báo tại Hội thảo “ Nguồn nhân lực cho ngành in- Thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội in phối hợp với Khoa In và Truyền thông trường ĐH Sư phạm kỹ thuật thành phố HCM tổ chức vừa qua.
Thực trạng nguồn nhân lực ngành in Việt Nam
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội in VN, hiện nay có 1.200 doanh nghiệp in (mức tăng bình quân từ 10 đến 15% mỗi năm). Trong đó, nhân lực ngành in có khoảng 40.000 người và chỉ có 80% số đó là công nhân lao động trực tiếp, còn lại làm công tác quản lý và lao động gián tiếp, mỗi năm số người đến tuổi về hưu chiếm 5%. Như vậy, hàng năm ngành in cần bổ sung ít nhất 2000 người mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực tế. Song mỗi năm con số được đào tạo mới chỉ dừng ở 1.213 người. Đó là chưa kể đến việc số lao động cần thêm do sự thay đổi công nghệ và mức độ tăng trưởng của ngành in hàng năm.
Số lượng đào tạo chưa thỏa mãn nhu cầu là vậy, đáng buồn hơn chất lượng đào tạo cũng chưa bắt kịp với mức độ đổi mới về kỹ thuật, công nghệ đang diễn ra với tốc độ chóng mặt như hiện nay. Thực tế, môi trường đào tạo trong nước còn nặng về lý thuyết, thiếu cơ sở vật chất thiết bị, phương tiện thực hành. Do đó sau khi ra trường các kỹ sư, công nhân in tiếp cận với doanh nghiệp còn khó khăn. Rõ ràng, nếu hệ thống đào tạo của ta không có những bước phát triển vượt bậc, không được tiếp sức có hiệu quả của toàn ngành thì khoảng cách tụt hậu ngày càng xa. Các cơ sở đào tạo in đang đứng trước một thực tế là thiếu đội ngũ cán bộ giảng dạy một cách trầm trọng. Trước đây, hằng năm chúng ta có một số sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành in ở nước ngoài về nước. Đây là nguồn bổ sung tốt cho đội ngũ giảng viên, nhưng hiện nay nguồn này không còn nữa. Hiện nay, số sinh viên nước ta đi du học ngày càng đông nhưng không có ai lựa chọn ngành in để học. Một số kỹ sư được đào tạo chuyên ngành in đã nhiều năm làm việc ở cơ sở sản xuất vừa có lý thuyết lại có kinh nghiệm thực tiễn sẽ là nguồn bổ sung quan trọng cho đội ngũ giáo viên. Song họ lại không mặn mà với công việc giảng dạy vì mức lương của ngành giáo dục trả rất thấp so với thu nhập tại cơ sở sản xuất. Các trường đào tạo in đành trông chờ vào số giáo viên thỉnh giảng. Tuy nhiên, hình thức này sẽ khiến trường bị động trong kế hoạch đào tạo, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Để tự cứu mình và chủ động trong việc xây dựng một đội ngũ giáo viên chất lượng, Ông Đỗ Quốc Thắng, hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghiệp in cho biết, từ năm 2004 bằng quan hệ trực tiếp, trường ông mỗi năm đã gửi 3 – 4 học sinh học tại trường Đại học Matxcova bằng kinh phí tự túc. Hiện có 10 em học tại đó và hy vọng vài năm tới đây sẽ là nguồn bổ sung cho đội ngũ giáo viên của nhà trường. Khoa In và truyền thông trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng rất vất vả để phát triển nguồn nhân lực, trước đây Khoa có gởi 4 kỹ sư theo học cao học kỹ thuật In tại CHLB Đức nhưng chỉ còn 2 em có nguyện vọng trở về Việt Nam, để phát triển đội ngũ giảng viên hiện có, từ năm 2004 đến nay Khoa đã tổ chức cho 22 lượt đi học tập và nâng cao trình độ chuyên ngành in ở các nước phát triển cho 15 giảng viên, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời nhằm cập nhật kiến thức cho đội ngũ giảng viên. Việc tìm được người phù hợp để đảm nhận công tác giảng dạy ngành in vẫn luôn là vấn đề lớn, trong 3 năm qua chỉ tiêu tuyển dụng thêm giảng viên của khoa In và truyền thông là 6 người nhưng cũng chỉ tìm được 3 người (1 hoạ sĩ, 1 kỹ sư chuyên ngành cơ điện tử và 1 kỹ sư chuyên về in cuộn)
Một thực tế nữa trong đào tạo nhân lực cho ngành in là chúng ta chưa có một bộ giáo trình chuẩn và thống nhất. Phần lớn giáo trình, giáo án của các môn chuyên ngành hiện nay do từng giáo viên tự viết và dạy. Số giáo viên nhiều năm không được đi đào tạo thêm, không được tiếp thu kiến thức mới chiếm đa số. Họ thường dựa vào sách vở, tài liệu kiến thức cũ đã học trước đây kết hợp với một số thông tin thu lượm để viết. Một số giáo viên không đủ trình độ ngoại ngữ để đọc sách, đọc tài liệu nước ngoài thì lại càng lúng túng khi biên soạn giáo án, giáo trình. Thêm nữa, do quan niệm xã hội nghề in chưa được đánh giá một cách khách quan và đúng tầm nên chất lượng đầu vào của phần lớn người học là quá thấp. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu của người học và chất lượng đào tạo.
Việc quản lý đào tạo nhân lực ngành in vẫn mang tính tự phát và manh mún. Phía đơn vị đào tạo in thì tuyển sinh theo khả năng đào tạo chứ không theo nhu cầu của ngành. Khi chưa có một chiến lược đào tạo cụ thể dựa trên cơ sở những số liệu thống kê chính xác về các yêu cầu nguồn nhân lực cho ngành in, ắt dẫn đến hệ quả tất yếu là chương trình đào tạo không thống nhất, đào tạo không bám sát với nhu cầu về nguồn nhân lực.
Về phía doanh nghiệp in lâu nay vẫn coi công việc đào tạo là việc riêng của các cơ sở đào tạo, chưa thực sự quan tâm tới mối liên kết giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Rất hiếm các doanh nghiệp coi việc đầu tư cho đào tạo là một nghĩa vụ xã• hội và cũng là chiến lược phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp mình. Không chỉ vậy các doanh nghiệp in vẫn còn dành quá ít phần kinh phí cho việc đào tạo lại, đào tạo nâng cao người lao động. Người công nhân sau khi tốt nghiệp gần như không được đào tạo thêm, và họ phải tự học theo kiểu truyền nghề từ người có kinh nghiệm đi trước. Việc tổ chức bồi dưỡng thi tay nghề nếu có cũng chỉ mang tính hình thức chứ chưa cập nhật bổ sung những kiến thức và hỗ trợ giải quyết những khó khăn phát sinh trong thực tế sản xuất của công nhân.
Đi tìm giải pháp
Đứng trước xu thế hội nhập quốc tế của Việt Nam, các doanh nghiệp in muốn có chỗ đứng vững trên thị trường và giữ vững khách hàng phải đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị, hiện đại hóa quy trình sản xuất. Song hành với đổi mới công nghệ thì việc đào tạo một đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề có đủ trình độ và kinh nghiệm vận hành, ứng dụng hiệu quả các chức năng của thiết bị vào thực tế sản xuất là một yêu cầu rất cấp bách của các doanh nghiệp hiện nay. Trước thực trạng của công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành in hiện nay, Ông NgôAnh Tuấn, trưởng khoa in và truyền thông, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. HCM đưa ra một loạt giải pháp trong đó có nhấn mạnh đến việc cần thống nhất chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo liên thông. Theo ông Tuấn, việc thống nhất chương trình đào tạo ở các cấp cho phép tiết kiệm công sức biên soạn và hiệu chỉnh tài liệu, tạo điều kiện cho các học viên tốt nghiệp các hệ đào tạo bên dưới được chuyển tiếp lên bậc cao hơn. Bên cạnh đó, các đơn vị đào tạo ngành in cùng phối hợp chia sẻ nguồn lực và cùng hợp tác nghiên cứu khoa học. Thực tế cho thấy mỗi đơn vị đào tạo đều có chức năng khác nhau, đối tượng người học cũng khác nhau. Tuy nhiên, nếu các đơn vị ngồi lại với nhau để cùng phối hợp chia sẻ nguồn lực thì những phần dư công suất máy hay trang thiết bị phục vụ thực tập- thí nghiệm của các đơn vị này có thể cho các đơn vị khác sử dụng. Phía cơ quan nhà nước quản lý ngành in cần tiến hành thống kê toàn diện về nguồn nhân lực và năng lực thiết bị toàn ngành làm cơ sở xây dựng kế hoạch xây dựng và phát triển.
Theo ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục Xuất bản thì quan tâm đến mối liên kết giữa 3 đối tượng: cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người học trong đó mối liên kết giữa đào tạo và doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng. Với ông, phía doanh nghiệp hoàn toàn có thể cung cấp thông tin và đặt hàng về nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng để các cơ sở đào tạo có kế hoạch tổ chức thực hiện. Hàng năm các doanh nghiệp có thể xem xét cấp học bổng cho một số sinh viên có kết quả học tập xuất sắc; hỗ trợ tạo điều kiện cho sinh viên, học viên các trường được thực tập, tìm hiểu thực tế tại doanh nghiệp…
[Theo Hiệp hội nhà in HCM]